TÁC HẠI CỦA HÀNG GIẢ, HÀNG HOÁ XÂM PHẠM QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ ĐỐI ĐỐI VỚI NGƯỜI TIÊU DÙNG NHƯ THẾ NÀO?

Khác với quyền sở hữu tài sản thông thường, quyền sở hữu trí tuệ có đặc điểm là đối tượng được quyền tồn tại chủ yếu dưới dạng thông tin, do đó có khả năng lan truyền rộng lớn và dễ có khả năng được vật chất hoá hàng loạt, sau đó trở thành thực thể tác động, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người, cũng như của cả xã hội. Do vậy, một hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ gây hậu quả tiêu cực cho người nắm giữ quyền bị xâm phạm đó, mà còn ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều người tiêu dùng khác, cũng như ảnh hưởng tiêu cực đối với xã hội.

     

 

Ví dụ: việc xâm phạm quyền đối với một nhãn hiệu hàng hoá, thì hành vi xâm phạm quyền đó không chỉ gây tổn hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu bị xâm phạm (giảm thị phần, giảm lợi nhuận, làm suy giảm lòng tin của khách hàng vào sản phẩm mang nhãn hiệu đó...), mà còn gây thiệt hại cho người tiêu dùng khi mua phải hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu hàng hoá đó (chất lượng không được như hàng thật nhưng phải trả tiền với giá trị tương đương với hàng thật; đôi khi còn gây tổn hại đến sức khoẻ, tính mạng nếu hàng giả, hàng nhái đó liên quan đến thực phẩm hoặc dược phẩm, hóa mỹ phẩm...). Nạn hàng giả, hàng  nhái luôn luôn là nguy cơ đe doạ trực tiếp đối với sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng và lâu dài làm suy kiệt giống nòi.

 

Trong bối cảnh trình độ công nghệ ngày càng cao, việc sản xuất các sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể được tiến hành với quy mô lớn và hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng được lưu thông với phạm vi rộng, khiến cho số người bị ảnh hưởng hoặc bị tổn hại cũng sẽ chiếm số đông trong xã hội. Vì vậy, các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng thuộc loại hành vi chống lại lợi ích xã hội. Do đó, bên cạnh quan hệ dân sự, vấn đề xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng được xem xét và xử lý theo khía cạnh hành chính. Mục tiêu của biện pháp hành chính trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ là bảo vệ lợi ích của người thứ ba và của xã hội, cũng chính là gián tiếp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của chủ thể quyền. 

Trần Minh Dũng

Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ